Friday, April 8, 2011

ĐƯỜNG HÀNH QUÂN

ĐƯỜNG HÀNH QUÂN


Tác Giả: Phong Vũ - Trình bày: Ngô Nhật Tùng
Kính tặng t/t Đỗ Văn Mười, t/t Phan Văn Tranh



LTS: Phong Vũ là bút hiệu của Mũ Nâu Vũ Đình Hiếu.
Anh đã từng làm cựu Hội Trưởng Hội BĐQ Dallas, giáo sư Điện tóan và thuyết trình nhiều đề tài liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Phong Vũ dùng thì giờ rảnh rỗi đọc và dịch những tài liệu chiến tranh Việt Nam từ Anh Ngữ ra Việt. Đặc biệt về binh chủng BĐQ và Nha Kũy Thuật. KBC Hải Ngọai

Sau khi trở về Saigon, tụi tôi được phòng 3 BCH/BĐQ gửi đi thực tập với tiểu đoàn 64/BĐQ đang hành quân trong vùng Búng thuộc tỉnh Bình Dương. Tiểu đoàn này đang hành quân phối hợp với một đơn vị Thiết kỵ nên thỉnh thoảng tụi tôi được ngồi xe thiết giáp. Khỏe thiệt, đỡ phải lội bộ, chỉ có điêu phải hít bụi nhiều. Mấy con cua sắt khổng lồ cầy nát con lộ nhỏ, xe chạy đầu không sao, ngồi trên mấy xe sau, lính BĐQ người nào cũng được phủ một lớp bụi thật dầy.


Biệt Động Quân Biên Phòng

Chiến thuật hành quân trên vùng III cũng khác vì địa thế bằng phẳng, không có nhiều đồi núi cao. Các trung đội rải quân làm thành một vòng cung, bảo vệ ban chỉ huy đại đội. Vấn đề tiếp tế cũng dễ dàng, lính tráng tương đối đầy đủ, mỗi trung đội đem theo hai máy truyền tin PRC-25, một để cho tiểu đội đi phục kích đêm đem theo. Mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng, sau phiên gác cuối cùng, cả đại đội đều thức dậy nấu nước pha cà phê, nấu cơm ăn vội vã để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, các tiểu đội đi làm ăn đêm (phục kích) đêm qua cũng lục tục kéo nhau quay trở về.

Đúng 7 giờ sáng, đại đội tập họp, các ông "ba chấm trưởng" (trung đội trưởng) điểm danh báo cáo, sau đó viên đại đội trưởng sẽ dặn dò vài điều rồi ban lệnh cho các trung đội đi hoạt động. Toán sĩ quan thực tập tụi tôi cũng được chia ra các trung đội để học hỏi, quan sát. Vùng tiểu đoàn 64/BĐQ đang hành quân lúc đó rất yên, hàng ngày tôi theo trung đội lục soát những khu vực xung quanh vùng trách nhiệm của đại đội. Mỗi khi đến gần một xóm làng, người sĩ quan trung đội trưởng ra lệnh cho tiểu đội đi đầu đi chậm lại và cẩn thận để ý phía đàng trước cũng như hai bên con đường mòn. Khi cả trung đội đã vào đến nơi, các tiểu đội được tung ra lục soát. Không thấy có dấu hiệu gì khả nghi, mọi chuyện êm xuôi, ông ba chấm trưởng gọi máy báo cáo về đại đội, sau đó cho trung đội bố trí nghỉ ngơi, chừng 15, 20 phút rồi tiếp tục di chuyển, có hôm nghỉ lâu hơn để ăn cơm trưa. Các tiểu đội thay phiên nhau đi đầu, những người lính chiến dường như đã quá quen với nhiệm vụ, không bao giờ than phiền hay tỏ vẻ sợ hãi khi phải làm nhiệm vụ dẫn đầu trung đội. Đến khoảng 3 giờ chiều, ông trung đội trưởng gọi tôi lại chỉ dẫn thêm "bây giờ mình bắt đầu quay trở về, phải về tới đại đội trước khi trời tối. Lính còn phải đi lấy nước để nấu cơm, để dùng cho ngày hôm sau và cũng để lập tuyến phòng thủ đại đội. Điêu quan trọng nhất là không bao giờ trở về bằng con đường cũ...". Nói xong anh ta cầm chiếc địa bàn lên, đo phương giác rồi ra lệnh cho tiểu đội dẫn đầu di chuyển.

Vị đại đội trưởng có lẽ đã dặn dò người sĩ quan thuộc cấp, do đó tôi được nghỉ cách đêm, đêm nào ở lại, ông đàn anh thường mời tôi đến lều ngồi uống cà phê, nói hangượm cho vui. Đây cũng là dịp để tôi học hỏi thâu thập thêm kinh nghiệm, có lẽ khoảng hai tháng nữa tôi cũng sẽ là một trung đội trưởng của một tiểu đoàn BĐQ nào đó đang trên đường hành quân.

Khoảng 6 giờ chiều mỗi ngày, đại đội tập họp điểm danh. Cũng như hồi sáng, vị đại đội trưởng dặn dò đôi câu rồi cho tan hàng sau khi ra lệnh cho các ông ba chấm trưởng lên ban tham mưu để lấy điểm phục kích đêm. Sau khi dùng cơm chiều xong, ông đàn anh gọi người tiểu đội trưởng và tôi lại, trải tấm bản đồ hành quân ra chỉ điểm phục kích đêm, căn dặn thêm vài điều rồi nói tôi về chuẩn bị ba lô đi theo tiểu đội. Lệnh ở trên đưa xuống là như vậy, tôi phải học hỏi nhiều điêu trước khi được giao cho nhiệm vụ chỉ huy một trung đội. Điêu này làm cho các tân sĩ quan trở nên vững chắc , can đảm trước khi đến đơn vị mới, có lợi cho đơn vị và sinh mạng người lính trong trung đội.

Chuẩn bị nhảy vào An Lộc    

Đợi đến khi trời vừa sập tối, tiểu đội "ăn đêm" đem theo một sĩ quan thực tập, lặng lẻ ra đi về hướng đã định. Tôi đi đằng trước người hạ sĩ quan tiểu đội trưởng sau hai người lính khinh binh, không ai nói một lời, chỉ có những bước chân âm thầm như một toán quân ma. Khi đã đến địa điểm, mọi người bố trí rải rác đợi người tiểu đội trưởng đi thám sát khu vực xung quanh điểm phục kích. Chừng 15 phút sau anh ta quay trở lại, ra lệnh cho mọi người nằm bố trí về phía bên phải con đường, chia giờ canh gác, dặn dò từng người một. Tôi nằm gần người lính mang máy truyên tin, kế đó là người tiểu đội trưởng, vị trí ở giữa tiểu đội để có chuyện gì dễ theo dõi, ra lệnh cho các quân nhân dưới quyền. Tất cả đều nằm  dưới đất, gối đầu lên ba lô, không ai được phép hút thuốc lá, nói chuyện. Tôi nằm ngữa mặt lên trời, đêm đó bầu trời trong vắt, sáng trăng, thỉnh thoảng có cụm mây bay ngang qua đâu biết ở dưới, mỗi gốc cây có một người lính đang nằm chờ địch. Tôi nằm nghĩ mông lung, vẫn còn quá sớm cho giấc ngủ, bỗng một người lính bò lại chỗ tôi nằm đưa cho chai thuốc chống muỗi... Ừ phải rồi, muỗi ở đâu ra nhiều quá!

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, trời vẫn còn tối, tôi đã được đánh thức dậy, cuốn poncho lại cho vào ba lô chuẩn bị rút về sau một đêm yên tĩnh. Về tới tuyến của trung đội, ông đàn anh đã đợi sẵn hỏi thăm, đưa cho tôi ly cà phê, "không phải lúc nào cũng được như vậy đâu! Trên bước đường hành quân, khó đoán trước được tương lai... Sống nay chết mai, sống được ngày nào hay ngày đó!". Chuyện sống chết là chuyện thường tình, cái mà người lính phải trực diện hàng ngày là sự gian khổ, cực nhọc, dầm mưa dãi nắng, ăn bữa đói bữa no, có những lúc không có nước để mà uống.

Khi tôi ở tiểu đoàn 64/BĐQ được hơn hai tuần thì có lệnh trả toán sĩ quan thực tập về, tiểu đoàn vừa nhận lệnh hành quân mới. Lại một lần nữa chào từ giả, sau này gặp lại một quân nhân thuộc tiểu đoàn 64 tại Trung tâm Huấn luyện BĐQ Dục Mỹ, tôi được biết thêm sau khi toán thực tập về, tiểu đoàn đụng trận lớn ở Đồng Ớt, rồi tăng phái cho Lữ đoàn 3 Kỵ binh đánh giải tỏa đồn Rạch Bắp, đụng trận liên miên.

Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện của phòng 3, bọn tôi trở lại trình diện BCH/BĐQ/QLVNCH lần cuối cùng để được dặn dò, hướng dẫn về việc sử dụng cuốn sổ tay "Trung đội trưởng". Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe các ông "bự" nói chuyện, vị chỉ huy trưởng, chỉ huy phó và tham mưu trưởng. Trước khi bốc thăm chọn đơn vị, mấy ông phòng 3 thuyết trình cho tụi tôi về cơ cấu tổ chức, huấn luyện, những trận đánh nổi tiếng cùng những vị tiểu đoàn trưởng lừng danh của binh chủng BĐQ. Điêu đặc biệt về những nhân vật tên tuổi này là ông nào cũng dưới 30 tuổi lúc làm tiểu đoàn trưởng. Trung tá Hoàng Phổ của tiểu đoàn 37 BĐQ, người hùng của trận Khe Sanh mà người Hoa Kỳ rất thán phục và mới đây đã đem lại chiến thắng Sa Huỳnh trong tỉnh Quảng Ngãi. Thiếu tá Đỗ Văn Mười,vị tiểu đoàn trưởng trẻ trung, lừng danh được xếp vào hàng đầu của binh chủng và còn nhiều người nữa...

Tình hình chiến trường vào đầu năm 1973 nặng nhất vẫn trên vùng cao nguyên, thuộc lãnh thổ Quân khu II và ngoài vùng I. Hầu hết mọi người trong khóa tôi được bổ sung ra các tiểu đoàn BĐQ đang hành quân trên vùng I và II, ai cũng thích đi vùng I, dầu sao vẫn dễ thở hơn trên vùng II. Tôi không bóc thăm, sao cũng được... đã mang lấy nghiệp vào thân, vỡ mặt vỡ mũi hay có chết thì cũng rán mà chịu.

Tôi lên Pleiku trình diện, lúc ra khỏi chiếc C-130, nhìn đồi núi xung quanh phi trường Cù Hanh, khung cảnh thật là buồn tẻ. "Phố núi cao" là đây, trời hơi lạnh, tôi mặc chiếc áo jacket vào, đeo ba lô rồi lững thững bước đi, đâu biết rằng mình sẽ phải sống những ngày còn lại cho đến khi tàn cuộc chiến trên vùng cao nguyên. Tôi đã đi lính được hơn một năm, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn như lúc đó, những ngày tháng học tập trong quân trường hay lúc đi thực tập, lúc nào cũng có bạn bè bên cạnh. Nỗi buồn càng thấm sâu hơn khi nhớ lại lời dặn dò của một ông đàn anh ở tiểu đoàn 60/BĐQ. "Khi ra tới đơn vị mới thấm thía cuộc đời". Tôi sắp được làm một trung đội trưởng như trong trường Bộ binh đã dậy, như tôi mong ước từ lâu. "Đã đi lính phải chọn binh chủng tác chiến thứ thiệt", nhưng hôm nay sao buồn vậy...

Một chiếc xe jeep của liên đoàn 22/BĐQ đi công tác ở Pleiku nhân tiện đón tôi đưa lên Kontum, tỉnh cực bắc của miền cao nguyên. Xe đi ngang qua đèo Chu Pao, xung quanh là những đồi trọc cháy đen vì bom Napalm. Mùa hè đỏ lửa 72, các tiểu đoàn BĐQ đã quần thảo dữ dội với các đơn vị chánh quy Bắc Việt dành lại những ngọn đồi chiến lược xung quanh đèo để khai thông quốc lộ 14 giải vây cho thành phố Kontum. "Chu Pao ai oán hờn trong gió. Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường". (Nếu tôi nhớ không lầm, người viết hai câu thơ đó là Lâm Hảo Dũng, một sĩ quan tiền sát viên (DLO) pháo binh).

Liên đoàn 22/BĐQ mới thành lập, gồm 3 tiểu đoàn 62 trước là trại Lực lượng Đặc biệt Polei Kleng, tiểu đoàn 88 vẫn nằm giữ căn cứ Dak Pek và tiểu đoàn 95 hậu thân của trại LLĐB Ben Het. Trại Ben Het có tên Việt là "Bạch Hổ", nằm ngay vùng tam biên (biên giới Lào Việt Miên), trước đây khoảng năm 66, 67 quân cộng sản Bắc Việt lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam đã sử dụng chiến xa lội nước PT-76 tấn công căn cứ nhưng thất bại. (Đầu năm 68 quân Bắc Việt sử dụng loại chiến xa này tấn công, tràn ngập trại LLĐB Lang Vei gần căn cứ Khe Sanh ngoài vùng I). Trong cuộc đời có nhiều chuyện hy hữu, tôi được phân phối về tiểu đoàn 95 và được sĩ quan ban một (quân số) đưa đến trình diện thiếu tá Đỗ Văn Mười, vị tiểu đoàn trưởng lừng danh mà đã được sĩ quan phòng 3 BCH/BĐQ nói sơ qua trước đây khi còn đi thực tập.

Báo chí ngọai quốc ca tụng BĐQ
Đúng như lời đồn đãi trong binh chủng về ông, thiếu tá Mười còn rất trẻ, đẹp trai. Ông nhìn người sĩ quan mới đến trình diện từ đầu đến chân, có lẽ người tự hỏi "Binh chủng BĐQ chắc hết người rồi hay sao mà lại gửi đến một người sĩ quan nhỏ bé, mặt mũi non choẹt thế kia!". Sau đó ông hỏi tôi đã học khóa sình lầy chưa? Đã qua giai đoạn thực tập chưa? rồi khuyên "thôi rán làm việc đi". Tôi được đưa về làm trung đội trưởng trung đội 3 của đại đội 4.



Chiều hôm đó tôi bắt đầu làm quen với trung đội, lấy trong túi áo ra cuốn sổ tay "trung đội trưởng" tôi bắt đầu ghi chép. Phòng 3 đã dậy tôi cách sử dụng quyển sổ tay này, cứ mỗi trang giấy là một quân nhân thuộc quyền, mọi chi tiết đặc biệt về một cá nhân kể cả tôn giáo, học vấn v.v... tôi đều ghi vào. Mới nghe có vẻ lỉnh kỉnh, không cần thiết nhưng giúp cho vấn đề lãnh đạo chỉ huy va làm gia tăng sức chiến đấu của đơn vị. Khẩu đại liên M-60 đặt ở đâu, những ai thủ mấy khẩu súng phóng lựu M-79 tôi cần để ý.
Đêm đó, sau khi đi một vòng qua những vọng gác, tôi chui vào hầm nằm ngả lưng trên chiếc võng. Trong bóng tối, ngoài tiếng rè rè phát ra từ chiếc máy truyền tin PRC-25, bỗng có tiếng thở dài... Người lính mang máy có lẽ hiểu tâm trạng của người sĩ quan mới đến đơn vị, lặng lẻ chui ra khỏi hầm, một lúc sau đem vào cho tôi một ly cà phê. Tôi cảm ơn rồi lấy bao thuốc lá Capstan ra mời lại, anh ta cám ơn rồi lui ra ngoài chui xuống một căn hầm khác, ban đêm mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm, ngoại trừ những ai phải canh gác. Ở dưới hầm an toàn hơn, được hút thuốc lá tự do, những người lính tụ lại từng tổ tán dóc cho qua đi ngày tháng.

Còn lại một mình trong hầm, tôi uống cho hết ly cà phê rồi lại nằm trên võng. Tôi biết trong lòng mình đang buồn, rất buồn nhưng đâu dè lại thở dài. Không biết có phải vì lo sợ không hay cần phải có một cái gì bên cạnh, tôi với tay kéo sợi dây ba chạc (để mang súng đạn), lấy khẩu Colt 45 ra để trên bụng rồi kéo tấm đắp ngang qua người. Tôi bắt đầu nhớ Saigon, nhớ gia đình, gói thuốc lá Capstan mua ngoài phố là do tiền ở nhà cho, khi còn đi học cũng vậy, mỗi khi đi đâu mẹ tôi thường cho một ít tiền. Chuyến ra đơn vị trên vùng cao nguyên, không biết bao giờ tôi mới có dịp quay về nên được cho nhiều hơn. Trong chiến tranh biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khổ vì con.

Tôi quen dần với cuộc sống mới, học hỏi thêm được nhiều điều. Trong đại đội, ngoài hai ông trưởng và phó, cả ba ông trung đội trưởng khinh binh đều là sinh viên đi lính năm 72 nên tụi tôi rất hợp với nhau. Tâm khóa 3/72 Đồng Đế, trung đội 1, học khoa học trên tôi một năm, Hoàng khóa 3/72 Thủ Đức, trung đội 2, học bên Văn khoa, Hoàng đeo kính cận, có tài chơi đàn guitar, mỗi khi nghe tiếng súng chàng móc túi lấy kính đeo trước đã, rồi tính sau. Mấy tháng sau, Hoàng được thiếu tá Mười kéo về BCH/TĐ làm trưởng ban 5 (Tâm lý). Điều này chứng tỏ vị tiểu đoàn trưởng rất để tâm tới thuộc cấp. Lúc đụng trận lỡ cặp kính cận bị vỡ rồi sao đọc bản đồ, có chuyện gì tội cho người quân nhân cấp dưới mà mình cũng ân hận.

Khoảng gần giữa năm 73, hai tiểu đoàn 62 và 95 BĐQ biệt phái cho tiểu khu Phú Yên. Cuộc hành quân nhằm mục đích càn quét địch ra khỏi tỉnh, tái lập nền an ninh cho quận lỵ Đồng Xuân. Ra khỏi vùng cao nguyên là niềm vui của mọi người, một điều mơ ước lớn. Không phải trèo đèo, vượt núi như trên vùng Kontum, Pleiku, cũng không phải chui dưới hầm để tránh đạn pháo binh của địch, tinh thần sảng khoái. Vùng hành quân cũng có dân làm ruộng hay buôn bán nhỏ nên ăn uống thoải mái.

Tỉnh Phú Yên nói một cách tổng quát, tương đối yên hơn nhiều tỉnh khác hay những nơi mà tôi đã có dịp đi qua như các quận Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi ngoài miền Trung, Sầm Giang, Cai Lậy, Cái Bè tỉnh Định Tường trong miền Nam. Suốt mấy tháng hành quân, tiểu đoàn không đụng trận lớn, chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ với quân du kích và những đơn vị địa phương của địch. Ban ngày các đại đội tung mấy trung đội ra tảo thanh lục soát khu vực hành quân, địch bắn cầm chân vài viên, để lại mìn bẩy rồi biến mất. Tôí đến để trả đũa, mấy nh du kích mò về bắn quấy rối mấy quả súng cối rồi dọt làm cho quân ta mất ăn mất ngủ. Chuyện đánh nhau với quân du kích chỉ thế thôi, đối với đời lính cuộc chiến đấu như vậy là "êm đềm" lắm rồi, ước gì bọn tôi được làm người lính Địa Phương Quân để được đi hành quân vùng này mãi mãi.


Hết sẩy - Hút thuốc đứng bắn 1 tay như Django


Đến gần cuối năm, tình hình trong tiểu khu tạm yên, cuộc hành quân chấm dứt, mấy tiểu đoàn BĐQ được lệnh "khăn gói quả mướp" trở lại vùng rừng núi cao nguyên. Những ngày vui thường qua mau, sĩ quan ông nào cũng được thưởng một bằng tưởng lục nhưng không phải ai cũng vui, có người chỉ muốn một ao ước nhỏ "Tao chỉ muốn ở lại đây, xin nhận nơi này làm quê hương", làm người lính gác cầu đi "cua" mấy cô thôn nữ. Những người lính chịu đựng đã quen, âm thầm thu xếp hành trang cho vào ba lô.

Trở lên Kontum, hai tiểu đoàn 62 và 95 thay phiên nhau đóng quân giữ vùng Tân Điền, đồi Ba Chấm và làm thành phần trừ bị cho tỉnh. Từ ngày ông 80 (Thiếu tá Mười) về làm tiểu đoàn trưởng, vấn đề ăn uống đầy đủ hơn nhiều, thỉnh thoảng ông hỏi mấy ông thường vụ của các đại đội để biết anh em binh sĩ ăn uống ra sao, sĩ quan có ăn chận, ăn bớt của người lính không? Ông là người miền Nam, sanh quán ở Mỹ Tho nên ăn nói rất thẳng, cũng vì thế đôi khi không vừa lòng cấp trên, tuy nhiên cấp dưới, những người đàn em lúc nào cũng kính phục, sẵn sàng sống chết với ông. Phải nói là ăn không hết, đêm trước khi có chuyến tiếp tế, lính phải đem mấy con cá khô ra nướng ngồi uống rượu đế rồi ngày hôm sau đem gạo còn dư kỳ trước đi bán, đổi lấy mấy bao thuốc lá, bịch cà phê. Một lần có dịp ghé ban quân y tiểu đoàn xin thuốc (lúc mới lên Kontum tôi bị đau bụng cả tuần vì lạ nước), Hoàng lúc đó đã về ban 5, rủ tôi ở lại ăn cơm, lúc ngồi vào ăn tôi mới biết sĩ quan tham mưu ăn uống "linh đình", 80 quan niệm dù ở trong vùng hành quân "chuyện đâu phải ra đó".

Ông rất nổi tiếng từ lúc còn là một đại đội trưởng, đã phục vụ nhiều tiểu đoàn danh tiếng của binh chủng, tham dự nhiều cuộc hành quân lớn, bị thương nhiều lần tưởng chết. "Mấy thằng nhỏ" (như ông thường gọi đám sĩ quan trẻ tụi tôi) gọi ông là người hùng không tim. Lúc đụng trận ông ra sát đại đội để quan sát chiến trường, điều quân, trong vấn đề lãnh đạo chỉ huy ông rất rành tâm lý, sĩ quan ba gai 80 đều khuyên răn, dậy bảo được. Lúc tiểu đoàn nằm trừ bị ở Kontum, ông ra lệnh cấm trại, sĩ quan phải dậy lính theo chương trình huấn luyện bổ túc. Một lần bắt gặp hai ông "quan nhỏ" đi chơi ngoài phố, ông dừng xe lại hỏi tội "Hai thằng kia lên xe" rồi quay sang nói với vợ "Em ra đàng sau ngồi, xe quân đội cho em quá giang". Hai ông quan nhỏ ngồi đằng trước im thin thít chưa biết tính sao. 80 mới từ từ dậy dỗ hai thằng đàn em ba gai "Tôi ra lệnh cấm trại để bớt đi chơi, nếu không... ai ở lại trông coi lính", rồi người giảng đạo tiếp "Bây giờ đã lỡ phải đi cho đã, muốn đi đâu tôi chở đi". Thả hai ông ba gai xuống trước một quán cà phê, ông móc túi lấy tiền cho đàn em rồi phóng xe đi mất. Hai ông quan nhỏ được xếp cho ít tiền, hiên ngang bước vào trong quán... Sĩ quan của tiểu đoàn 95 phải như vậy, bảnh như vậy 80 mới chịu.

Trong tiểu đoàn, một người khác mà tôi cũng rất mến, đó là Thiếu tá Phan Văn Tranh, tiểu đoàn phó. Lúc hành quân ông thường đi với Bravo (cánh B). Thiếu tá Tranh rất cởi mở, nói chuyện vui vẻ, thấy bộ vó "học trò" của tôi, ông hỏi thăm chuyện gia cảnh rồi khuyên "rán đi". Ông uống rượu nhưng không hút thuốc lá, mỗi chuyến tiếp tế, ban tiếp liệu gửi lên cho ông một cây "555" được tụi tôi thanh toán chớp nhoáng, tôi còn "cố vấn" "Thiếu tá, lần sau nói tụi ở nhà gửi lên hai cây mới đủ". Ông chỉ cười rồi nói "Mày nữa! Cù lủ chỉa rồi còn xúi tao làm bậy, cây thuốc lá 80 cho tao, mấy đứa ở nhà làm gì có tiền".

Tiểu đoàn được lệnh chuẩn bị gấp rút để đi hành quân sớm, Thiếu tá Mười đã đi họp từ buổi sáng, tối hôm đó tất cả sĩ quan tiểu đoàn ngồi nhậu. Hai ông trưởng và phó ngồi đầu bàn, tôi vai "út" ngồi cuối bàn, chẳng ai phân biệt nhưng tôi thích vậy. Ngồi xa "mặt trời" thoải mái hơn, tha hồ ăn nói vung vít, rượu vào lỡ có nói bậy cũng không sao. (Từ lúc đi lính tôi mới biết hút thuốc lá, uống rượu, làm bậy... hồi còn đi học, chưa uống hết chai bia tôi đã đi không vững) . Ngồi dưới thỉnh thoảng tôi huých cùi chỏ người ngồi cạnh "Ê! Chuyền bao thuốc lá xuống", và cứ thế mấy bao thuốc lá "con mèo" của 80 được chuyền từ đầu bàn và biến mất ở cuối bàn. Đến khi khám phá ra người chỉ nói bâng quơ "Mấy thằng nhỏ chuyên môn cù lủ chỉa"... Ai cũng vui, đời lính chiến vui được ngày nào hay ngày đó, đâu biết đó là buổi sum họp cuối cùng của các sĩ quan thuộc tiểu đoàn, ngày định mệnh sắp đến.


Khuya đêm đó tôi được gọi lên họp, tình hình có vẻ nghiêm trọng nơi làng Kon sơ Lu đông bắc Kontum, địch đã "làm gọn" mấy đại đội ĐPQ. Ngày mai tiểu đoàn sẽ phải vào chiếm lại những phần đất đã lọt vào tay địch quân, ban 2 (tình báo) cho biết là sẽ đụng nặng.

Trong số bốn mươi người trong khóa về BĐQ và hơn ba mươi sĩ quan phục vụ trong tiểu đoàn 95, có lẽ tôi là người may mắn nhất. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi sống lang thang trên mấy tiểu bang miền bắc Hoa Kỳ trước khi xuống Dallas. Ở đâu tôi cũng tìm kiếm những chiến hữu, những người bạn đồng ngũ, nhưng hoài công. Cho đến những năm gần đây khi chính phủ Hoa Kỳ cho những người bị cộng sản giam cầm trong những trại cải tạo sang định cư trong chương trình H.O.,
Dzô mày - Mày không dzô tao dzô lãnh huy chương                           tôi mới được gặp lại vài người bạn.

Tôi xuống Houston thăm Thiếu tá Tranh, vừa mở cửa trông thấy tôi, ông gọi vợ "Em ơi! Thằng H. nè em, nó xuống thăm vợ chồng mình". Người trông già đi nhiều, hai mươi năm rồi còn gì, tôi nói không nên lời. Chị Tranh ra chào hỏi sơ sơ rồi vào bếp đem mấy món ra cho mấy ông đàn ông ngồi nhậu. Ông đàn anh năm xưa còn nhớ rất nhiều, tôi hỏi thăm về những người khác, ông cho biết là kỳ đó tiểu đoàn mình bị nặng, một vố thật nặng. Hai trung đoàn chính quy CSBV chớ đâu phải một, thằng 95-B độc lập và một trung đoàn thuộc sư đoàn 320 từ Pleiku lên... mình chịu gì nổi. Chị Tranh hỏi tôi có còn gặp ai (TĐ 95/BĐQ) nữa không, rồi kể những nỗi cơ cực khi phải ra tận ngoài Bắc thăm chồng "Ảnh chỉ còn da bọc xương, đến bên cạnh tôi nhận không ra, đến khi gọi tôi mới biết là ổng". Cả hai vợ chồng đều hỏi thăm gia đình ông Mười, tôi đang cố tìm và rất hy vọng.

Gia đình Thiếu tá Mười sang định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Được điện thoại báo trước, ông ra trước cửa đón hai vợ chồng tôi. Nhìn thằng đàn em xách két bia, ông lại choàng cánh tay thân ái qua vai rồi dắt hai vợ chồng vào nhà. Ông không khác xưa nhiều lắm, vẫn còn nét phong độ trẻ trung của người đàn anh, kẻ cả. Bóc ra một lúc hai ba gói thuốc lá để trên bàn rồi gọi con gái mang nước ra mời chú thím. Cháu này hồi chuyện khọng may xẩy ra cho tiểu đoàn, lúc đó còn quá nhỏ, chị Mười vẫn còn bế trên tay. Tâm sự một lúc lâu, 80 hỏi về chuyện gia đình của tôi, được biết thằng đàn em gần bốn mươi tuổi mới có vợ "Thôi kiếm một đứa đi", chắc người cho rằng tôi vẫn chưa bỏ tật "lông bông".

Mấy ông đàn anh đến bây giờ vẫn còn lo cho tôi, trong mấy hôm ở Seattle, 80 đưa tôi hoặc hai vợ chồng đi ăn, người vẫn không cho phép tôi được trả tiền, mỗi khi đưng dậy ông lại nói "ngồi xuống đi, đừng có lộn xộn". Người hùng Khe Sanh Hoàng Phổ cũng vậy, sống cách Dallas khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, thỉnh thoảng ghé Dallas mời tôi đi ăn tiệm cũng chưa bao giờ để tôi trả tiền. Chị Phổ còn tiếp tế một đĩa xôi, nồi chè, lần khác nồi vịt sáo măng, sẵn với khả năng "lười biếng" tôi được ăn bún vịt cả tuần. Đôi lúc tôi muốn la thật to "Thằng lính sữa ngày xưa giờ đây đã hơn bốn mươi rồi, bây giờ mấy ông đàn anh để tôi lo".Tình chiến hữu, tình huynh đệ trong đời nhà binh là thế. Cung cách của cấp chỉ huy, người đàn anh cũng ở chỗ đó, lúc nào cũng có tinh thần trách nhiệm, lo cho đàn em. Xin cảm ơn.

Dallas, ngày 15 tháng Giêng, 1997

No comments:

Post a Comment