Friday, April 8, 2011

Tiểu Đoàn 37 BĐQ tại Khe sanh

Tiểu Đoàn 37 BĐQ tại Khe sanh


Bài viết: Mũ Nâu 7/62 - Trình bày: Ngô Nhật Tùng - Trích đặc san KBC do Tú Quỳnh xuất bản




Vào tháng 12 năm 1967, Cộng Sản Bắc Việt đã chuẩn bị tấn công vào Khe Sanh, một căn cứ quân sự do Trung Đoàn 3, sau đó là Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trấn giữ. Tướng Giáp xử dụng hai sư đoàn 325 và 303 bao vây Khe Sanh làm cho nhà cầm quyền tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn lo lắng về một chiến thắng Điện Biên Phủ khác xảy ra tại Khe Sanh.

Các hoạt động bắc đầu từ ngày 21 tháng giêng năm 1968 khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vượt sông bị thất bại. Dòng sông này đem nước dùng cho căn cứ, làm cho đơn vị trú phòng luôn luôn lo sợ bị đầu độc. Sau trận tấn công, quân Cộng Sản pháo kích vào căn cứ làm hư hại một phần phi đạo và làm nổ nơi chứa đạn phế thải. Phía TQLC Hoa Kỳ có 18 binh sĩ bị tử thương, và sau đó lui về cố thủ trong căn cứ và di tản thường dân trong làng.

Trung tướng Robert E. Cushman Jr. Tư Lệnh Lực Lượng Đệ Tam Thủy Bộ (3 MAF) ra lệnh tăng cường cho các căn cứ với Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 9 TQLC. Chỉ huy căn cứ Khe Sanh lúc đó là Đại tá Lownds, gồm có 1 Tiểu Đoàn pháo binh, bốn Tiểu Đoàn TQLC, và sau đó nhận thêm Tiểu Đoàn 37 Biêt Động Quân Việt Nam, nâng tổng số quân số lên đến 6.000 người vào cuối tháng giêng.

Quân Bắc Việt bao vây chung quanh Khe Sanh được ước tính có khoảng trên 15.000 quân. Máy thăm dò điện tử báo cho biết địch quân sắp sửa tấn công một tiền đồn TQLC trên đồi 882 vào đầu tháng Hai. Trước rạng đông ngày 5, mưa pháo của TQLC bẻ gãy kế hoạch tấn công của địch quân.

Tại tiền đồn trên đồi 861A, vì không được báo trước nên Cộng quân đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào vị trí và đánh cận chiến. Các binh sĩ TQLC chống trả mãnh liệt và đẩy lui được cuộc tấn công này, giữ vững tiền đồn.

Trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Làng Vei bị tấn công ngày 7 tháng Hai trước khi trời sáng với 10 chiến xa hạng nhẹ PT-76 do Nga Sô cung cấp. Tiếng động cơ của chiến xa cùng với đèn pha làm cho binh sĩ trú phòng náo loạn. Trong lúc chiến đấu, 24 Biệt Kích Mũ Xanh và 900 Dân sự Chiến đấu bắn hạ được 3 xe tăng và làm hư hại một chiếc khác. Thủy Quân Lục Chiến tại Khe Sanh sợ bị phục kích dọc đường nên không dám kéo quân đến tiếp viện. Đại úy LLĐB Frank C. Willoughby dẫn về được 13 biệt kích cùng 60 binh sĩ trú phòng đến căn cứ Khe Sanh.

Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy của Đại úy Hoàng Phổ là một đơn vị trừ bị cho Quân đoàn I. Tiểu Đoàn được đưa từ Phú Lộc đến Khe Sanh ngày 27 tháng giêng để tăng cường cho TQLC Hoa Kỳ đang phòng thủ căn cứ. Vì không tin tưởng vào quân đội VNCH, Đại tá Lownds đã bắt Tiểu Đoàn 37 đóng quân nằm ngoài hàng rào phòng thủ, gần chỗ pháo binh và nơi chứa đạn phế thải. Tuy biết vậy nhưng Đại úy Hoàng Phổ vẫn chấp hành nghiêm chỉnh lệnh đóng quân.

Thực tế, các binh sĩ TQLC thuộc Đại đội Bravo (B) Tiểu đoàn 1/26 đóng phía bên trong hàng rào phòng thủ rất thích binh sĩ Việt Nam với phù hiệu đầu cọp trên tay áo. Ken Pipes, viên chỉ huy Đại đội B cho biết binh sĩ của ông ta rất nễ nang Biệt Động Quân và các sĩ quan chỉ huy của binh chủng. Đại đội của Pipes và Biệt Động Quân chia xẻ đạn dược, và báo động lẫn cho nhau. Pipes tin rằng quân đội Việt Nam có cấp chỉ huy nhiều khả năng, hạ sĩ quan giỏi và các binh sĩ can đảm với tinh thần cao độ.



Biệt Động Quân Việt Nam đến Khe Sanh, đã có hầm hố, giao thông hào do TQLC Hoa Kỳ làm sẵn. Trong lúc pháo binh Bắc Việt tiếp tục bắn phá, lính Hoa Kỳ đến mỗi đêm để đem thương binh vào chỗ quân y. Binh sĩ Việt Nam ở Khe Sanh không có lương nhiều tháng và không có thêm quân để thay thế cho số tổn thất. Sau đó và ngày lại lo lắng cho gia đình ở hậu phương khi trận tổng công kích lan tràn trên khắp quê hương. Ken Pipes tự hỏi binh sĩ Hoa Kỳ có thể đi hành quân với hoàn cảnh của người lính Việt Nam không? Binh sĩ của Đại úy Phổ thường xuyên lục soát ban ngày và tịch thu được đại bác không giật trong thời gian bị bao vây. Pipes kết luận đó là niềm hãnh diện được chiến đấu cùng với sĩ quan và binh sĩ của Tiểu Đoàn 37 BĐQ, một đơn vị đồng minh nổi tiếng của BĐQ/QLVNCH.

Sáng ngày 29 tháng giêng, Đại úy Phổ tung một đơn vị BĐQ ra ngoài hoạt động. Vào gần trưa, một giọng nói đặc miền Bắc xen vào tần số của Biệt Động Quân và nói rằng họ đã nhìn thấy binh sĩ ta nhưng không bắn vì giờ phút linh thiêng của dịp Tết và đề nghị Biệt Động Quân trở về phòng tuyến của mình. Biệt Động Quân thay đổi tần số làm việc, đến chiều hôm sau thì bắt gặp một đơn vị Bắc quân cấp Trung đội hoặc đông hơn đang di chuyển về hướng đông bắc, và khai hỏa bằng súng cối 60 ly, 81 ly. Các hoạt động đó được chấp thuận vì giới thẩm quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh ngưng bắn.

Quân Cộng Sản Bắc Việt tiếp tục pháo kích vào căn cứ hàng ngày, hôm ít hôm nhiều. Tuy nhiên cũng đủ để làm quân trú phòng mất ăn, mất ngủ và xuống tinh thần vì sợ hãi. Vào ngày 30 tháng giêng, chúng pháo kích trúng khu đạn phế thải gây một đám cháy lớn.

Các hoạt động kể trên được coi như thường xuyên. Đến ngày 21 tháng Hai, bỗng nhiên quân Cộng Sản gia tăng pháo kích. Hôm đó, chúng bắn vào căn cứ 50 quả đạn đại bác, 70 hỏa tiễn và 250 viên đạn súng cối. Vào xế trưa, chúng dùng một Tiểu Đoàn tấn công vào tuyến phòng thủ Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân của Đại úy Hoàng Phổ. Quân đội Việt Nam giữ vững, giết 25 Cộng quân, trong khi tổn thất về phía ta được coi là nhẹ.

Vài ngày sau, quân Bắc Việt lại tấn công vào vị trí phòng thủ của Biệt Động Quân. Sợ rằng đó là cuộc tấn công toàn diện, căn cứ Khe Sanh báo động đỏ vào lúc 10 giờ 15 phút tối. Cộng quân tấn công làm ba đợt. Nhưng đến 4 giờ 30 sáng Biệt Động Quân đã làm chủ tình hình. Quân Việt Nam báo cáo giết 7 giặc cộng tại phòng tuyến, nhưng sau đó khi ra ngoài lục soát tìm thấy thêm 78 xác chết cùng tịch thu được 12 súng và một số bộc phá để phá hàng rào kẽm gai.

Trong trận chiến tại Khe Sanh năm 1968, Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam đã làm rạng danh cho binh chủng Mũ Nâu và làm cho quân đội đồng minh khâm phục sức chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.



Sau đây là vài biến có đáng ghi nhận tại mặt trận Khe Sanh:

· 27 tháng giêng. Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân đến Khe Sanh.
· 7 tháng Hai. Trại LLĐB Làng Vei bị tấn công và tràn ngập bởi bộ binh và chiến xa Bắc Việt.
· 21 tháng Hai. 35 Cộng quân bỏ xác tại hàng rào phòng thủ của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân.
· 23 tháng Hai. 1307 đạn pháo binh rơi vào căn cứ Khe Sanh.
· 29 tháng Hai. Biệt Động Quân đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân Bắc Việt.
· 8 tháng Ba. Quân Bắc Việt bắt đầu rút khỏi Khe Sanh.

Dallas, Texas 24 tháng 9 năm 1994.
Mũ Nâu 7/62

Viết theo tài liệu:

-Vietnam Story Will Fowler, trang: 88-89.
-Valley of Dicision Padros và Stubách, trang: 319-321, 453, 466.
-Chinh Chiến Điêu Linh, Kiều Mỹ Duyên, trang: 105-106.
-Nguyệt San KBC, phát hành 04/04/88.

1 comment: